Các phi tần triều trước Hậu_cung_nhà_Nguyễn

Cuộc sống góa phụ

Sau khi Hoàng đế qua đời, các phi tần không được gọi là "Thái phi" như Hậu cung Nhà Thanh, mà về cơ bản vẫn giữ tước vị nếu có, rất ít trong số ấy được Hoàng đế tiếp theo gia tôn thêm (đại đa số là phục vị vốn có nếu từng phạm lỗi mà bị giáng), và được gọi chung là ["Cung tần triều trước"].

Các cung tần triều trước này có 4 lựa chọn chính sau khi Hoàng đế băng hà. Thứ nhất là theo lên Lăng viên của Tiên Đế để thủ tiết[29], thứ hai là ở tại các hậu viện sau Phụng Tiên điện hoặc Bảo Định cung thờ phụng hương khói, cuối cùng là theo con trai ra ở trong tư phủ. Ba loại này đều do triều đình (hoặc tự người con) sẽ cấp lương nuôi sống. Một loại nữa là có thể thả về nhà, nhưng nếu như vậy thì người đó về cơ bản sẽ không còn được xem là phi tần của triều đình nữa, và khi ấy có mất đi vì bất kỳ lý do gì, triều đình cũng không quản việc mai táng. Trước khi có các chiều hướng trên, nhóm cung tần góa phụ này đều phải ở tạm trong một khu vực riêng biệt cụ thể (thường do Hoàng đế kế nhiệm đặc biệt cho xây dựng) nhằm chuyên tâm việc nhang khói cho Tiên Đế, cũng như để tách biệt ra khỏi nhóm phi tần mới vào của Hoàng đế kế nhiệm. Ví dụ về đạo chỉ dụ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), nhà vua cho chuẩn bị nơi riêng của phi tần của vua cha là Vua Minh Mạng như sau:

Sai bọn thự Chưởng phủ Tạ Quang Cự, Thượng thư Lê Đăng Doanh, Hà Duy Phiên, Chưởng vệ Lê Văn Phú đứng trông coi về nghi lễ việc tang. Thống chế Nguyễn Trọng Tính, Tham tri Lý Văn Phức và Chưởng vệ Hoàng Đăng Thận sửa chữa cung Khánh Ninh. Làm thêm điện đằng trước, dỡ bỏ hai viện Lý Thuận và Đoan Trang dời vào làm ở vườn Vĩnh Trạch ở phía sau cung, gọi là Tả Hữu tòng viện; nhà hậu đường gọi là Đông Tây tòng viện, để làm chỗ ở cho các cung nhân của triều trước.

— Đại Nam thực lục, tập 6 - Hiến Tổ Chương Hoàng đế

Một ví dụ cụ thể vào thời điểm Vua Khải Định qua đời (1925), ông đã đưa một đoạn di chúc bằng tiếng Pháp, trong đó đề cập rất rõ vai trò của các phi tần sau khi ông mất sẽ được sắp xếp ra sao. Theo đó, các phi tần đều tạm ở trong Viện mà mình sống, chia ra 2 nhóm hầu hạ hai vị Hoàng thái hậu (tức Thánh CungTiên Cung). Các phi tần cũng có thể lên Ứng lăng để chầu, theo đó thì các bà phải xin phép hai vị Thái hậu trước, và có xe ô tô đưa đón. Sau khi bài vị của ông được đưa lên Phụng Tiên điện, thì các bà sẽ chuyển đến đó sống để tiện phụng thờ linh vị cùng chăm sóc hai vị Thái hậu, Vua Khải Định còn nhấn mạnh đây là lệ của các triều trước, như vậy rất rõ ràng việc chủ yếu của các phi tần khi Hoàng đế qua đời là chăm nom việc nhang khói. Riêng bà mẹ của Hoàng đế tương lai sẽ có tước vị [Hoàng mẫu], chờ đợi được tấn tôn làm Hoàng thái hậu.

Về cách xưng hô trên văn bản chữ Hán, thì các vị Cung phi, Cung tần và Ngự thiếp khác vào thời điểm sau khi Hoàng đế qua đời, triều đình sẽ xem Hoàng đế của phi tần đó có vai vế với Hoàng đế đang tại vị ra sao để chuẩn bị những xưng hiệu riêng, nhằm để phân biệt với phi tần của triều hiện tại. Khi ấy, triều đình sẽ xem Hoàng đế của phi tần ấy có vai vế thế nào với Hoàng đế hiện tại, rồi mới tiến hành thường thêm thành tố ["Tiên triều"; 先朝] (cách 1 triều) hay ["Tiền triều"; 前朝] (cách 2 triều) vào trước danh vị, rồi về sau cứ cách thêm đời là thêm một chữ "Tiền" vào đằng trước. Bản thân văn bia của Học phi Nguyễn Văn thị thể hiện rõ điều này: ["Tiền triều Học phi thụy Huy Thuận chi tẩm"; 前朝學妃諡徽順之寢]. Bà qua đời khoảng triều Thành Thái, mà Học phi là phi tần của Vua Tự Đức, trong khi Vua Thành Thái là con Vua Dục Đức - con nuôi của Vua Tự Đức.

Tang lễ và vấn đề thờ tự mộ phần

Từ năm Gia Long thứ 9 (1810), triều Nguyễn đã quy định riêng về tang nghi cũng như lệ tang của phi tần. Cũng như nhà Thanh thiết lập Cát An sở dành cho phi tần trải qua cuối đời ở đó và làm lễ tang ngay tại đó, các phi tần triều Nguyễn thường được đưa đến Bình An đường (平安堂) trước khi mất và làm lễ tang ngay tại đây, có quan tới đọc văn tế và có con cái mặc tang phục thủ lễ. Từ đời Tự Đức, chính thức quy định khi phi tần chết đều được Hoàng thái hậu và Hoàng đế mỗi người ban cỗ tế 1 tuần (tầm 10 ngày), bậc Ngũ giai trở lên tế bằng lễ Tam sinh (三牲), còn bậc Lục giai trở xuống là dùng Nhị sinh (二牲) tiến hành[30]. Rồi sau khi làm lễ tang hoàn tất, triều đình sẽ chọn ngày giờ đẹp đưa linh cữu lên thuyền qua bên kia sông Hương chôn cất trong các khu mộ riêng hoặc tập thể.

Theo Thực lục ghi lại vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), mùa đông về việc truy tặng mẹ của An Khánh vương Nguyễn Phúc Quang là Trịnh Mỹ nhân, có nói qua về quy cách Hoàng tử để tang mẹ:

Tặng cung tần triều trước là Trịnh thị làm Mỹ nhân, cho thuỵ là Cung Lệ. Trịnh thị là mẹ đẻ ra An Khánh công Quang. Bộ Lễ bàn chế độ tang phục, cho là năm Gia Long thứ 9 đã chuẩn định rằng Hoàng tử và Công chúa để tang mẹ đẻ được mặc tư thôi một năm[31], theo lễ cổ mà thi hành ở đời nay như thế là thích hợp với lẽ trời tình người.

Nay An Khánh công để tang mẹ đẻ, xin chế áo tang tư thôi có gậy mà để tang một năm. Đến kỳ kỵ thứ hai thì chỉ làm lễ như ngày kỵ thường, nhưng trong khoảng hai kỳ ấy thì được giữ tâm tang, vẫn được làm lễ để tang, miễn không phải theo ban chầu mừng. Vua theo lời bàn ấy.

— Đại Nam thực lục - Thánh Tổ Nhân Hoàng đế bản kỷ

Theo quy định từ đời Minh Mạng, các Phi đều có nơi thờ thần vị riêng gọi là ["Từ"; 祠], đều có chỉ định người quản lý và tế cáo riêng biệt. Từ Tần trở xuống, nếu họ có con trai thì bài vị sẽ được thờ riêng trong phủ để của người con đó (thường là con cả nếu có nhiều người con), còn nếu không có thì bài vị của họ đều được đưa đến Từ đường chung của các đời. Như đời Minh Mạng là Ý Thục từ (懿淑祠) ở vườn Thư Xuân, đời Thiệt Trị là Lệ Thục từ (麗淑祠) ở vườn Thanh Phương, còn đời Tự Đức là Chí Khiêm đường (至謙堂) ở Khiêm lăng, tất cả các Cung tần trở xuống mà không có con cái để thờ đều được thờ tại đây.

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ chuẩn y lời đề nghị rằng:"Từ trước đến nay, khi gặp tang của các phi tần, đến kỳ mới mệnh biền binh vác của kho rồi xây thành mộ, nhưng tường thành cao rộng bao nhiêu, cấm giới chu vi thế nào vẫn chưa có lệ cố định. Nay mới nghị định". Theo nghị định chính thức này thì mộ của Phi và Tần được gọi trang trọng là ["Viên tẩm"; 園寢], còn từ Tiệp dư trở xuống dùng chữ ["Mộ"; 墓] để phân biệt:

  • Viên tẩm của Cung phi: Thành tường gạch trong cao 4 thước 1 tấc, dài 2 trượng 7 thước, rộng ngang 2 trượng 7 tấc. Tường gạch ngoài cao 4 thước 5 tấc, dài 5 trượng 4 tấc, rộng ngang 4 trượng 5 thước, phía trước có cửa giữa, sơn màu đỏ. Phía trong cửa đằng trước bình phong, có bia đá của Cung phi. Bia đá thân cao 2 thước 3 tấc 4 phân, rộng 1 thước 3 tấc 5 phân, dày 2 tấc 7 phân, đỉnh cao 7 tấc 2 phân, dài 1 thước 8 tấc, chân cao 5 tấc 4 phân, dài 2 thước 2 tấc, tất cả cao 3 thước 6 tấc, trên bia khắc các chữ "Viên tẩm của Phi [Mỗ], họ [Mỗ]", đỉnh bia và chân bia đều khắc hoa văn. Trước xây thêm bái đình cao 3 cấp, tường chung quanh 1 thước 8 tấc. Chu vi giới cấm đều 12 trượng, chỗ giáp giới xây đắp trụ gạch để định giới hạn.
  • Viên tẩm của Cung tần: Thành tường gạch trong cao 4 thước 1 tấc, dài 4 trượng 3 thước, rộng ngang 2 trượng 3 tấc. Tường gạch ngoài cao 4 thước 1 tấc, dài 3 trượng 5 thước, rộng ngang 3 trượng 6 thước, phía trước có cửa giữa, phía trong cửa đằng trước bình phong có bia đá của Cung tần. Bia đá thân cao 2 thước 2 tấc, rộng 1 thước 1 tấc 7 phân, dày 2 tấc 6 phân, đỉnh cao 5 tấc, dài 1 thước 6 tấc 2 phân, chân cao 4 tấc 1 phân, dài 1 thước 8 tấc, rộng 1 thước 4 phân, cả thảy cao 3 thước 1 tấc 1 phân. Trên bia đá khắc các chữ "Viên tẩm của Tần [Mỗ], họ [Mỗ]", đỉnh bia và chân bia không khắc hoa văn. Chu vi giới cấm đều 12 trượng.
  • Mộ Tiệp dư đến Tài nhân vị nhập giai: Thành tường gạch trong cao 3 thước 3 tấc, dài 2 trượng 1 thước, rộng ngang 1 trượng 8 thước. Tường gạch ngoài cao 4 thước, dài 3 trượng 6 thước, rộng ngang 3 trượng 1 thước. Bia đá thân cao 2 thước, rộng 4 tấc 1 phân, dày 2 tấc 5 phân, chân cao 4 tấc, dài 1 thước 6 tấc 3 phân, rộng 3 tấc 8 phân, cả thảy cao 2 thước 4 tấc. Trên bia khắc dòng chữ "Mộ của Tiệp dư, Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân, Tài nhân vị nhập giai họ [Mỗ]". Chu vi giới cấm đều 12 trượng.

Năm Tự Đức thứ 24 (1871), Dực Tông bắt đầu định cách thức phần mộ của các Cung nhân, Cung nga và Thị nữ. Dụ rằng: "Năm Minh Mạng thứ 19, thể lệ mộ táng từ Phi, Tần cho đến Tài nhân vị nhập giai đã được chuẩn định, từ Cung nhân trở xuống chưa bàn đến. Đến nay mới định cách thức phần mộ Cung nhân cho đến Thị nữ".

  • Mộ của Cung nhân: Thành tường thân cao 3 thước, dày 1 thước 2 tấc, dài 2 trượng 8 thước, đường kính rộng 2 trượng 2 thước. Về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá, khắc chữ mộ của "Cung nhân họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm, xung quanh đều 6 trượng. Chi cho gạch xây 1.000 viên, đá núi 1 đống và 8 phần đống, vôi 5.000 cân, mật xấu 100 cân, giấy moi 600 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 50 tên, tiền công 150 quan, gạo 40 phương.
  • Mộ của Cung nga: Thành tường thân cao 2 thước 8 tấc, dày 1 thước 1 tấc, dài 2 trượng 5 thước, đường kính rộng 2 trượng, về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá, khắc chữ mộ của "Cung nga họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm, xung quanh đều 5 trượng. Chi cho gạch xây 1.000 viên, đá núi 1 đống và 6 phần đống, vôi 4.000 cân, mật xấu 90 cân, giấy moi 500 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 40 tên, tiền công 120 quan, gạo 32 phương.
  • Mộ của Thị nữ: Thành tường thân cao 2 thước 5 tấc, dày 1 thước, dài 2 trượng 2 thước, đường kính rộng 1 trượng 8 thước. Về mặt trước, phía trong cánh cửa, ở trước bình phong, dựng 1 tấm bia đá khắc chữ mộ của "Thị nữ họ [Mỗ]"... Giới hạn đất cấm xung quanh đều 4 trượng, chi cho gạch xây 1.000 viên, đá một đống và 4 phần đống, vôi 3.000 cân, mật xấu 80 cân, giấy moi 400 tờ, cánh cửa 2 tấm, đá trắng 5 tấm, dân phu 30 tên, tiền công 90 quan, gạo 24 phương.